thitruonghomnay.net – Thị trường ngoại hối là một lĩnh vực vô cùng khó khăn nhưng luôn tìm ẩn nhiều lợi nhuận và trở thành “mỏ vàng” hấp dẫn các nhà đầu tư. Và bước đầu tiên trên con đường chinh phục được “mỏ vàng” này chính là chọn được một sàn giao dịch uy tín, một điều không hề đơn giản với các trader.
Để xác định được sàn giao dịch nào có độ uy tín cao, nhiều nhà giao dịch thường dựa vào các cơ quan tài chính bảo vệ cho trader trong quá trình giao dịch tại sàn. Bài viết hôm nay sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ hơn về những cơ quan tài chính này.
Vì sao việc chọn sàn môi giới lại quan trọng?
Một trong những tiêu chuẩn để đánh giá sàn môi giới chính là sàn được cấp phép hay chịu sự quản lý từ các tổ chức uy tín. Những cơ quan tài chính này thường có rất nhiều yêu cầu khắt khe mà sàn bắt buộc phải tuân thủ đầy đủ tiêu chí đề ra, mới được cấp phép. Việc được các tổ chức uy tín cấp phép không chỉ giúp sàn forex có “giấy thông hành” hoạt động trong thị trường tài chính, mà còn là thang điểm đánh giá độ uy tín của sàn, nhằm thu hút nhà đầu tư tham gia giao dịch.
Tuy nhiên, có một điều đáng buồn chính là giao dịch forex tại Việt Nam chưa được pháp luật công nhận, và sẽ không có một cơ quan hay ủy ban tài chính nào tại Việt Nam đứng ra bảo vệ nhà đầu tư. Khi có sai phạm, sẽ không có bất cứ chế tài xử phạt những sàn forex này. Do đó mà thị trường Việt Nam vô hình chung trở thành “mỏ vàng” để sàn forex lừa đảo hoạt động mà không phải chịu bất cứ hình thức xử lý nào.
Các cơ quan tài chính bảo vệ cho trader
Cơ quan tài chính ASIC
ASIC (Australian Securities and Investments Commission) – Ủy ban chứng khoán và đầu tư Úc. ASIC hoạt động với vai trò là cơ quan quản lý thị trường và dịch vụ tài chính của Australia, đảm bảo sự hoạt động công bằng và minh bạch của thị trường tài chính Australia. Để làm tốt điều đó, văn phòng đại diện của ASIC gần như đã bao trùm lên khắp các thành phố và thủ đô của nước Úc.
ASIC là một cơ quan Chính phủ Liên bang độc lập được thành lập theo đạo luật Ủy ban chứng khoán và đầu tư Úc (ASIC ACT). Đạo luật ASIC yêu cầu ASIC phải:
- Quản lý và thực thi pháp luật một cách hiệu quả.
- Thúc đẩy sự tham gia của các nhà đầu tư tự tin và có kiến thức.
- Duy trì, tạo điều kiện và cải thiện hiệu suất của hệ thống tài chính.
- Cung cấp thông tin liên quan đến các công ty và tổ chức khác một cách kịp thời.
- Xử lý và lưu trữ thông tin hiệu quả và nhanh chóng.
Đồng thời, ASIC được kiểm soát bởi Bộ trưởng phụ trách ngân khố, dưới sức mạnh đó ASIC chịu trách nhiệm quản lý hoạt động của các công ty Australia, thị trường tài chính, các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính, chứng khoán và công cụ phái sinh, tư vấn về bảo hiểm, trợ cấp hưu trí, đầu tư, nhận tiền gửi và tín dụng.
Dựa vào những đặc điểm nói trên, ASIC là một cơ quan Chính phủ Liên bang độc lập, đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế nước Úc. là một trong những cơ quan quản lý tài chính lớn nhất trên thế giới, nắm tất cả các hoạt động liên quan đến thị trường tài chính, dịch vụ… trong đó có cả chứng khoán.
Điều kiện để một sàn giao dịch được cấp giấy phép ASIC
- Sàn giao dịch phải có trụ sở, văn phòng đại diện đặt tại Úc.
- ASIC là cơ quan của Úc, để hoạt động hợp pháp tại đây trước hết broker phải có giấy phép Dịch vụ tài chính (AFSL – Australian Financial Securities Licence) với vốn điều lệ bắt buộc từ 1 triệu AUD. Điều kiện này nhằm đảm bảo sàn có khả năng vận hành các hoạt động và đề phòng các trường hợp xấu xảy ra dẫn đến phá sản.
- Đáp ứng được các phần mềm giao dịch tiên tiến, hiện đại phù hợp với mô hình kinh doanh và phải trình bày rõ ràng trong đơn đăng ký cấp phép.
- Chấp hành nghiêm chỉnh các nghĩa vụ của thành viên AFS do ASIC giám sát (bao gồm đào tạo, tuân thủ, bảo vệ và giải quyết tranh chấp có thể xảy ra).
Cách ASIC bảo vệ quyền lợi trader
- Trong trường hợp sàn giao dịch phá sản, ASIC bảo vệ nhà đầu tư bằng cơ chế các khoản bồi thường. Theo đó, ASIC sẽ không đứng ra chi trả các khoản bồi thường, mà sẽ đảm bảo rằng công ty, doanh nghiệp đó phải trả cho trader. Số tiền trader nhận lại từ công ty phụ thuộc vào số tiền mà quản trị viên bên ngoài thu hồi được từ việc tìm kiếm và bán tài sản của công ty. Sau đó, sẽ thanh toán toàn bộ số nợ theo thứ tự mà pháp luật yêu cầu: chi phí quản lý bên ngoài thanh toán cho các chủ nợ (nhà cung cấp thanh khoản) và các chủ nợ sẽ thanh toán cho nhà đầu tư.
- Nếu có bất kỳ tranh chấp với nhà môi giới, trader có thể khiếu nại lên ASIC thông qua AFS và sẽ được giữ bí mật về danh tính của người khiếu nại.
- ASIC yêu cầu rất cao từ các sàn giao dịch nhằm mang lại cho khách hàng những chất lượng dịch vụ tốt nhất. Tài khoản của trader phải nằm trong cơ chế tách biệt, tránh việc lạm dụng với những mục đích khác.
- ASIC mong muốn các công ty phải đối xử công bằng với khách hàng, luôn đặt lợi ích khách hàng lên trên lợi ích thương mại. Chỉ cung cấp cho khách hàng những sản phẩm và dịch vụ mang lại giá trị đồng tiền.
- Đối với những sàn giao dịch được cấp phép bởi ASIC, trader sẽ được cung cấp những tài liệu hướng dẫn đầu tư thuộc lĩnh vực tài chính, đồng thời được tham gia chương trình MoneySmart – chương trình quản lý vốn, giúp cho nhà đầu tư lên kế hoạch và quản lý rủi ro, nâng cao hiệu quả giao dịch.
Cơ quan tài chính FCA
FCA (Financial Conduct Authority) là Cơ quan quản lý tài chính được thành lập vào ngày 01/04/2013 tại Anh (kế nhiệm tổ chức FSA Financial Services Authority) với chức năng cấp phép, quản lý và kiểm soát ngành. Hiện tại, FCA đang quản lý hơn 59,000 công ty dịch vụ tài chính và thị trường tài chính ở Anh, trong đó có bao gồm cả thị trường Forex.
Điều kiện để một sàn giao dịch được cấp giấy phép FCA
Từ thông tin trên trang web chính thức và một số công ty hỗ trợ pháp lý tại Anh, trader có thể biết được một số yêu cầu tối thiểu để một sàn forex nộp đơn đăng ký xin cấp giấy phép FCA forex như sau:
- Bắt buộc phải có văn phòng hoạt động ở Anh và các giám đốc cấp cao là người địa phương.
- Nền tảng tài chính và đầu tư mạnh là yêu cầu tối thiểu ban đầu đối với tất cả các công ty thuộc danh sách lĩnh vực mà FCA có thẩm quyền cấp phép hoạt động.
- Đáp ứng các yêu cầu về ký quỹ tối thiểu.
- Đảm bảo các yêu cầu về hoạt động kinh doanh theo từng lĩnh vực và duy trì trong suốt thời gian chờ cấp giấy phép (có thể lên đến 12 tháng).
Cách FCA bảo vệ quyền lợi trader
Ngay cả khi đã được giấy phép FCA, các sàn môi giới cũng không được tự do hoạt động mà phải đặt dưới khung quy định giám sát chặt chẽ từ FCA để tránh các trường hợp sử dụng giấy phép để lừa đảo hoặc gian lận trong thị trường forex. Các sàn forex sẽ phải:
- Tách bạch quỹ tiền của khách hàng (Segregated Funds): tiền khách hàng phải được giữ ở một quỹ tách bạch (thường được giữ tại các ngân hàng lớn trong khu vực) khỏi tiền vốn hoạt động của sàn.
- Báo cáo và kiểm toán: tương tự như quy định kiểm toán của tổ chức ASIC, FCA cũng yêu cầu các sàn forex phải cung cấp báo cáo & đối chiếu quỹ tài khoản hàng tháng, hàng quý và hàng năm. Các báo cáo phải hoàn toàn minh bạch và gửi đúng hạn.
- Cảnh báo rủi ro forex: các sàn forex thuộc FCA luôn phải thực hiện cảnh báo rủi ro khi đầu tư giao dịch forex đối với các khách hàng của mình.
- Quản trị đòn bẩy: FCA yêu cầu các sàn forex của mình chỉ được cung cấp đòn bẩy có giới hạn để tránh rủi ro lớn cho tài khoản nhà đầu tư. Từ giữa năm 2019, mức đòn bẩy tối đa mà sàn forex chỉ sở hữu giấy phép FCA là 1:30 (Các sàn forex có giấy phép FCA nhưng cung cấp đòn bẩy cao hơn thì khả năng họ cũng sở hữu một giấy phép khác cho phép cung cấp đòn bẩy cao cho khách hàng)
- Dịch vụ khách hàng: Tiêu chuẩn sàn forex của FCA là luôn lấy khách hàng làm trọng tâm, các broker phải bảo vệ và bảo mật thông tin khách hàng, vốn đầu tư, và các dữ liệu cá nhân khác, đồng thời cam kết cung cấp các dịch vụ minh bạch, công bằng, và hiệu quả.
Cơ quan tài chính CySEC
CySEC (Cyprus Securities and Exchange Commission) – Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Cộng hòa Síp, được thành lập năm 2001, tại Nicosia, đảo Cyprus. Cơ quan này có nhiệm vụ:
- Cấp giấy phép cho các nhà môi giới, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tài chính: Forex, chứng khoán, CFD
- Giám sát và điều chỉnh hoạt động của sở giao dịch chứng khoán, giao dịch forex.
- Kiểm tra, kiểm soát giấy phép của các broker thuộc quyền quản lý đảm bảo quá trình hoạt động thực hiện theo đúng quy định.
- Xử phạt, đình chỉ, thu hồi các nhà môi giới làm trái luật định đề ra.
Điều kiện để một sàn giao dịch được cấp giấy phép CySEC
CySEC – một trong các giấy phép quyền lực và uy tín hàng đầu trên thế giới. Do đó, để có thể đáp ứng các điều kiện khắt khe từ giấy phép này, sàn môi giới phải thỏa mãn các yếu tố sau:
- Văn phòng đại diện: Sàn forex phải có văn phòng đại diện tại Síp và có 3 nhân sự cấp cao (cấp giám đốc) là người địa phương.
- Vốn hoạt động: Đầu tiên, CySEC yêu cầu các sàn phải có năng lực cạnh tranh về tài chính. Cụ thể, vốn tối thiểu cần có là 125,000 Euro đối với sàn Forex STP và 730,000 Euro cho sàn Market Making. Đây là điều kiện tiên quyết các broker phải đáp ứng để có được giấy phép từ CySEC.
- Quỹ đền bù: Ngoài số vốn đã trả, tất cả các nhà môi giới được cấp phép phải phân bổ một số tiền nhất định cho Quỹ Bồi thường Nhà đầu tư (ICF)
- Mô hình kinh doanh: Sàn môi giới phải có tính cạnh tranh về mô hình kinh doanh và khả năng tài chính tốt.
- Chuyên môn: Các giám đốc cấp cao đều phải có kinh nghiệm tài chính vững chắc, chuyên sâu. Đồng thời, các giám đốc được bổ nhiệm phải chứng minh được nền tảng vững chắc về tài chính.
Cách CySEC bảo vệ quyền lợi trader
- Trader được quyền tố cáo, khiếu nại khi phát hiện bất cứ hành động gian lận nào của sàn môi giới. Sau đó, CySEC sẽ tiến hành giám sát chặt chẽ hơn hoạt động của sàn forex bị tố cáo. Thậm chí, CySEC sẵn sàng cảnh báo hoặc tước giấy phép đối với các sàn không tuân thủ sự minh bạch, công bằng với khách hàng.
- Trader được hưởng chính sách bồi thường lên tới 500 triệu VND (20.000 euro) trong trường hợp sàn môi giới bị mất khả năng thanh toán, phá sản, vỡ nợ.
- Số tiền trader nạp vào tài khoản giao dịch được bảo vệ tại một tài khoản tách biệt. Đồng thời, số tiền đó cũng được gửi tại một trong những ngân hàng lớn hàng đầu thế giới.
Kết luận
Nhìn chung việc lựa chọn sàn giao dịch ngoại hối cũng giống như việc trader lựa chọn một người bạn đồng hành cùng tham gia đầu tư. Phải rõ ràng, uy tín, chuyên nghiệp và đặc biệt là phù hợp với chiến lược giao dịch của bản thân bạn. Do đó, việc hiểu rõ về các cơ quan tài chính uy tín cấp phép cho các sàn giao dịch sẽ giúp bạn chọn được sàn giao dịch uy tín một cách dễ dàng hơn, đồng thời giúp trader an tâm giao túi tiền của họ cho sàn, để từ đó có thể tìm kiếm lợi nhuận tại 1 thị trường đầy khắc nghiệt nhưng vô cùng màu mỡ như forex.