Fitch nâng dự báo trung bình giá thép ngắn hạn lên 800 USD/tấn. Thị trường 25/5© Reuters.

Theo Dong Hai

Investing.com — Mỹ kết luận lốp ô tô Việt Nam được trợ cấp, bán phá giá. Fitch nâng dự báo trung bình giá thép trong ngắn hạn lên 800 USD/tấn. Và lĩnh vực nông nghiệp – thực phẩm Việt Nam đón đầu sóng đầu tư giữa tình hình Covid tại Châu Á vẫn tiếp tục phức tạp. Thị trường Việt Nam mở đầu phiên giao dịch thứ Ba ngày 25/5 với 3 thông tin chính.

1. Mỹ kết luận lốp ô tô Việt Nam được trợ cấp, bán phá giá

Hôm qua 24/5 Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đưa ra kết luận về cuộc điều tra đối với lốp ô tô nhập khẩu từ Việt Nam. Reuters dẫn báo cáo từ DOC nói lốp ô tô từ Việt Nam đang được trợ cấp với tỷ lệ từ 6,23% đến 7,89% thông qua việc chuyển đổi USD sang VND (HN:VND) với tỷ giá hối đoái thấp…

Ngoài ra, báo cáo cũng nói rằng qua điều tra, DOC phát hiện thấy lốp xe nhập khẩu vào Mỹ từ Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam đã được bán dưới giá thị trường ở Mỹ.

Theo báo cáo, lốp xe từ Việt Nam bán phá giá tới 22%; lốp Hàn Quốc bán phá giá tới 27%; lốp Đài Loan bán phá giá tới 102%; và lốp Thái Lan bán phá giá tới 21%.

Dựa trên kết luận điều tra này, DOC đưa ra mức thuế chống trợ cấp (countervailing) đối với lốp ô tô từ Việt Nam như sau: lốp từ Kumho Tire (Vietnam) Co. Ltd. bị áp thuế 7,89%; lốp từ Sailun (Vietnam) Co. Ltd. bị áp thuế 6,23%; và lốp từ các nhà sản xuất khác tại Việt Nam bị áp thuế 6,46%.

Cùng với thuế chống trợ cấp, lốp xe từ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ còn bị áp thuế chống bán phá giá (anti-dumping) với thuế suất 22,3%, ngoại trừ lốp của Kenda Rubber (Vietnam) Co. Ltd.; Sailun Group (Hong Kong) Co. Ltd./Sailun Tire Americas Inc.; Bridgestone Corp.; Bridgestone Tire Manufacturing Vietnam LLC; Kumho Tire (Vietnam) Co. Ltd.; và Yokohama Rubber Co. Ltd. có mức thuế 0%.

Cuộc điều tra của DOC mới chỉ là một nửa của câu chuyện. Uỷ ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) cũng đang tiến hành về nhập khẩu lốp xe từ 4 thị trường nói trên và dự kiến sẽ đi đến kết luận vào ngày 23/6. DOC sẽ chuyển kết quả cuộc điều tra của mình đến ITC để cơ quan này xem xét.

2. Fitch nâng dự báo trung bình giá thép trong ngắn hạn lên 800 USD/tấn

Giá thép bắt đầu tăng mạnh kể từ quý IV/2020 lên mức cao nhất kể từ giữa năm 2008. Kể từ đầu năm đến nay, giá thép trung bình đạt 883 USD/tấn, cao hơn 301 USD so với mức trung bình của năm ngoái.

Fitch Solutions vừa nâng dự báo giá thép toàn cầu trong ngắn hạn lên trung bình 800 USD/tấn, so với mức trước đó là 660 USD/tấn với lý do là sự mất cân đối trong cung – cầu khiến giá vật liệu này sẽ tiếp tục lên cao.

Tuy nhiên, cơ quan này cũng cho rằng các doanh nghiệp hạ nguồn, như công ty xây dựng, nhà sản xuất thiết bị và hàng điện tử, sẽ ngày càng không chấp nhận chịu trả mức giá cao để mua hàng. Đồng thời, nhu cầu tiêu thụ nhìn chung sẽ chậm lại vì cao điểm của hoạt động xây dựng thường chỉ vào những tháng mùa hè hàng năm. Ngoài Mỹ và Trung Quốc, Fitch Solutions cũng kỳ vọng nhu cầu thép tại châu Âu sẽ phục hồi sau khi giảm mạnh trong năm 2020 vì dịch Covid-19. Khác với thép Trung Quốc chủ yếu được sản xuất bằng lò cao sử dụng than cốc và quặng sắt, thép châu Âu chủ yếu là thép có hàm lượng carbon thấp được sản xuất bằng lò hồ quang điện với nguyên liệu đầu vào chính là thép phế liệu. Vì vậy, các doanh nghiệp hạ nguồn, đặc biệt là hãng ôtô và nhà sản xuất đồ điện tử gia dụng lớn, được cho sẽ tiêu thụ thép châu Âu nhiều hơn để đảm bảo quy định giảm lượng phát thải.

3. Lĩnh vực nông nghiệp – thực phẩm Việt Nam đón đầu sóng đầu tư giữa tình hình Covid tại Châu Á vẫn tiếp tục phức tạp

Các quốc gia Châu Á vẫn đang chật vật để vừa có thể kiểm soát tình hình Covid-19 đồng thời cũng phải tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế quốc gia. Dù lĩnh vực nông nghiệp – thực phẩm ở Đông Nam Á có thể trụ vững trong đại dịch COVID-19, tác động kéo dài của cuộc khủng hoảng y tế vẫn khiến triển vọng của ngành này trở nên hết sức ảm đạm.

Indonesia đang đối mặt với rủi ro lớn trên chặng đường phục hồi, còn Philippines và Thái Lan cũng cho thấy những lỗ hổng nghiêm trọng trong quá trình vực dậy lĩnh vực nông nghiệp – thực phẩm trong nước.

Bên cạnh đó, Việt Nam lại đang có nhiều yếu tố thuận lợi để phục hồi ngành nông nghiệp – thực phẩm hậu sau đại dịch COVID-19. Nhưng Việt Nam rất cần một cuộc phục hồi mạnh mẽ, vì nông nghiệp – thực phẩm là lĩnh vực sử dụng hơn 50% lực lượng lao động trong nước. Năm 2019, ngành này đóng góp 86 tỷ USD cho nền kinh tế Việt Nam, tương đương 26% tổng GDP, FNA thông tin thêm.

Ba lĩnh vực mũi nhọn hút vốn đầu tư tại Việt Nam:

  • Chế biến xuất khẩu tôm: Tín hiệu tích cực từ các thị trường xuất khẩu đã thúc đẩy làn sóng đầu tư vào lĩnh vực chế biến thủy sản thời gian gần đây. Nhà sản xuất tôm lớn nhất tại Việt Nam – Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (HN:MPC) tuyên bố sẽ đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng cho hai nhà máy chế biến lớn ở Hậu Giang và Cà Mau. Hai cơ sở mới dự kiến có công suất hàng năm gần 50.000 tấn. Minh Phú dự đoán Việt Nam sẽ trở thành nước sản xuất tôm lớn nhất thế giới trong 25 năm tới và chiếm khoảng 25% thị phần toàn cầu vào năm 2035 nhờ nhu cầu tôm tăng vọt ở Liên minh châu Âu (EU) cũng như của các nước thành viên trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
  • Ngành chăn nuôi heo của Việt Nam cũng đang dần khởi sắc trở lại sau khi bị dịch ASF tàn phá hai năm qua. Các nhà phân tích tại Rabobank dự đoán Việt Nam sẽ khôi phục hoàn toàn đàn heo trong hai năm tới. Rabobank còn kì vọng sản lượng heo của nước ta sẽ tăng 8 – 12% trong năm 2021, trong khi nhập khẩu thịt heo ngoại sẽ giảm xuống. Dẫn thông tin từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, Rabobank cho biết đàn heo của nước ta năm ngoái đạt 27,3 triệu con, tăng 20% so với năm 2019 và tương đương 87% so với mức từng ghi nhận trước dịch ASF. Tháng trước, chính phủ Việt Nam phải huy động toàn quốc chống dịch cúm gia cầm. Từ đầu năm đến nay, nước ta đã phải tiêu hủy hơn 100.000 con gia cầm vì dịch tái bùng phát. Song, không vì thế mà đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi gia cầm của Việt Nam giảm sút.
  • Đầu năm nay, De Heus (Hà Lan) – nhà cung ứng thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới , đã cùng các đối tác như Tập đoàn Bel Gà (Bỉ) và Tập đoàn Hùng Nhơn đầu tư xây dựng một khu phức hợp chăn nuôi gà truy xuất nguồn gốc 100% tại tỉnh Tây Ninh. Khu phức hợp trên bao gồm một trang trại giống có công suất 1 triệu gà con 1 ngày tuổi/tuần, hai trang trại gà bố mẹ với tổng cộng suất 25 triệu trứng/năm. Ngoài ra, nơi này còn có 250 trang trại sản xuất gà thịt với tổng công suất 25 triệu con gà thịt/năm và một nhà máy chế biến thực phẩm. Cuối năm ngoái, Công ty CP Masan (HM:MSN) MEATLife – một công ty thành viên của Công ty CP Tập đoàn Masan cũng tham gia vào lĩnh vực chăn nuôi gia cầm thông qua thỏa thuận mua 51% cổ phần của Công ty 3F Việt. Theo nghiên cứu của Oxford Economics, năm ngoái, lĩnh vực nông nghiệp – thực phẩm của Việt Nam đã chứng kiến mức tăng trưởng 4%, trong khi ngành này tại Thái Lan và Philippines đồng loạt thu hẹp. Indonesia cũng ghi nhận mức tăng trưởng dương nhưng chỉ bằng một nửa của Việt Nam.