1. Định nghĩa:
Giảm phát (deflation) là hiện tượng suy giảm giá hàng hóa và dịch vụ theo thời gian, qua đó làm tăng sức mua của đồng tiền.

2. Tìm hiểu về giảm phát
Giảm phát là khi tỷ lệ lạm phát trở thành âm. Hiện tượng này xảy ra khi giá tiêu dùng giảm trên diện rộng. Làn sóng giảm giá và giảm phát kéo theo sau đó thường là hệ quả của việc người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu và giảm nhu cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm và dịch vụ. Giảm phát làm tăng sức mua của đồng tiền.
Mặc dù nhiều người tiêu dùng xem đây là một điều tốt đối với họ, nhưng giảm phát có thể là dấu hiệu báo trước một cuộc suy thoái hoặc bất ổn kinh tế. Khi nền kinh tế suy thoái, điều đó thường đồng nghĩa với việc lương bổng sẽ thấp hơn, ít việc làm hơn và thị trường chứng khoán sụt giảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có tác dụng đo lường tỷ lệ lạm phát và giảm phát.
Ví dụ
Ví dụ thực tế gần gũi nhất về giảm phát trong quá khứ gần đây chính là vào thời kỳ Đại suy thoái bắt đầu vào năm 2007. Đến năm 2009, tỷ lệ lạm phát đã giảm xuống dưới 0, có nghĩa là nền kinh tế Mỹ đang trải qua giảm phát. Tình trạng giảm phát này kéo theo tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ trên 10%, mức cao nhất mà quốc gia này từng chứng kiến trong hơn 20 năm.
3. Bài học
Giảm phát giống như một cơn ho nặng vậy…
Ho là một triệu chứng bệnh, nhưng bản thân cơn ho không phải là một căn bệnh. Tương tự như vậy, giảm phát là một dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn trong nền kinh tế. Giảm phát là một triệu chứng của một căn bệnh, nhưng bản thân giảm phát không phải là một căn bệnh.
4. Làm thế nào để đo lường mức giảm phát?
Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS) đo lường lạm phát và giảm phát (hay còn gọi là lạm phát âm) bằng cách sử dụng Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI), vốn là một chỉ số đo lường giá của khoảng 80.000 loại hàng hóa và dịch vụ. Chỉ số CPI theo dõi liệu giá cả có đang tăng (báo hiệu lạm phát) hoặc giảm (báo hiệu giảm phát) theo thời gian hay không.
Cần lưu ý rằng có hai chỉ số kinh tế quan trọng mà BLS không đưa vào CPI, gồm: thị trường chứng khoán và giá nhà ở. Thay vì sử dụng giá nhà ở, chỉ số CPI sẽ đo lường mức chi phí tương đương hàng tháng khi sở hữu một ngôi nhà. Đối với phép tính này, CPI sẽ sử dụng chi phí thuê nhà. Phương pháp đó có thể gây hiểu nhầm vì giá nhà và giá thuê không phải lúc nào cũng đi theo cùng một quỹ đạo.
Chính phủ liên bang Hoa Kỳ theo dõi tỷ lệ lạm phát để đảm bảo rằng nền kinh tế đang phát triển ở mức lành mạnh. Nếu lạm phát tăng quá nhanh hoặc nếu nền kinh tế đang gặp phải tình trạng giảm phát, thì chính phủ thường sẽ áp dụng các chính sách tài khóa hoặc tiền tệ để khắc phục tình hình.
5. Nguyên nhân nào gây ra giảm phát?
Có nhiều yếu tố khác nhau có thể gây ra giảm phát, nhưng về cốt lõi, giảm phát xảy ra khi giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng giảm. Và giá cả giảm khi mức nhu cầu tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ giảm so với sức cung.
Nhu cầu giảm có thể là hệ quả từ việc giảm nguồn cung tiền. Cục Dự trữ Liên bang (Fed), hay chính là ngân hàng trung ương của Hoa Kỳ, có thể tăng hoặc giảm lượng cung tiền và khiến tiền trở nên khó kiếm hơn bằng cách tăng lãi suất các khoản cho vay. Khi người dân khó kiếm tiền hơn, mọi người thường sẽ mua sắm ít hơn.
Giảm phát cũng có thể là do năng suất tăng lên. Khi hàng hóa trở nên dễ sản xuất hơn và rẻ hơn, các doanh nghiệp có thể bán chúng với giá thấp hơn.
Cuối cùng, nhu cầu giảm có thể là do chính phủ cắt giảm chi tiêu. Ví dụ, giả sử chính phủ cắt giảm chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Đột nhiên, một số gia đình trong các ngành nghề liên quan, chẳng hạn như xây dựng, sẽ bị ảnh hưởng bởi quyết định này và có ít tiền chi tiêu hơn. Nhu cầu của họ giảm xuống và do đó giá cả cũng giảm theo.
6. Tác động của giảm phát
Giảm phát (hoặc lạm phát âm) có thể gây bất lợi cho nền kinh tế của một quốc gia. Giảm phát dẫn đến sụt giảm doanh thu và từ đó giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Người tiêu dùng sẽ không chi tiêu mạnh tay nữa vì họ không có nhiều tiền hoặc vì giá thấp hơn.
Khi doanh nghiệp bị suy giảm lợi nhuận, họ có thể bị buộc phải cắt giảm chi phí để trụ vững. Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp có thể làm điều này bằng cách sa thải và cắt lương nhân viên. Những người lao động thất nghiệp hoặc bị trả lương thấp sẽ phải cắt giảm chi tiêu của họ.
Giảm phát cũng có thể làm tổn hại đến tài khoản tiết kiệm và hưu bổng. Giảm phát thường đi kèm với làn sóng sụt giảm của thị trường chứng khoán. Và khi giá chứng khoán đi xuống, nhà đầu tư thường trở nên hoảng loạn và bán tháo cổ phiếu. Và nếu nhà đầu tư chứng khoán quyết định bán ra sau khi giá đã giảm mạnh, họ có thể sẽ bị sụt giảm giá trị tài sản ròng rất đáng kể.
Giảm phát cũng có thể khiến việc vay vốn trở nên khó khăn hơn. Trong thời kỳ suy thoái, các đơn vị cho vay hiểu rõ rằng tất cả mọi người đều đang gặp khó khăn và có thể họ sẽ khó thanh toán khoản vay. Do đó, bên cho vay có thể tăng tiêu chuẩn đánh giá điều kiện vay.
7. Sự khác biệt giữa lạm phát và giảm phát
Trong khi giảm phát là khi giá cả sụt giảm và sức mua của đồng tiền tăng lên, thì ngược lại lạm phát là khi giá cả tăng lên và sức mua của đồng tiền giảm xuống.

Lạm phát thì có vẻ như gây tác động tệ hơn đối với người tiêu dùng vì khi đó mọi thứ sẽ trở nên đắt đỏ hơn. Nhưng cuối cùng, lạm phát ở mức vừa phải sẽ tốt hơn cho nền kinh tế. Các ngân hàng trung ương thường thích mức lạm phát nhẹ hàng năm, vì điều đó cho thấy rằng nền kinh tế đang tăng trưởng lành mạnh.
Tuy nhiên, lạm phát không phải là không có mặt trái. Quả thật, có những lúc lạm phát thực sự đạt đến mức không tốt cho nền kinh tế, và giá cả tăng rất nhanh. Trong những trường hợp này, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể sẽ cố gắng làm chậm tốc độ lạm phát một chút bằng cách giảm lượng cung tiền (tuy vậy, họ vẫn kỳ vọng là không quá mức để gây ra giảm phát) và tăng lãi suất.
Lạm phát cũng tác động xấu đến các khoản tiết kiệm dài hạn. Dù sao đi nữa, số tiền tiết kiệm mà bạn có trong tài khoản hưu trí của mình sẽ có giá trị thấp hơn trong vòng 30 năm sau. Đó là lý do tại sao có những người thường đầu tư tiền tiết kiệm vào chứng khoán thay vì tiết kiệm trong các tài khoản ngân hàng với lãi suất thấp vì chiến lược này sẽ giúp tài sản của họ tăng khả năng bắt kịp hoặc vượt qua tốc độ lạm phát.
8. Tại sao giảm phát lại có hại cho nền kinh tế?
Thoạt nhìn, giảm phát có vẻ là một điều tốt. Rốt cuộc, người tiêu dùng nào mà chẳng thích thú khi giá cả hàng hóa dịch vụ giảm xuống? Nhưng đáng tiếc, quá trình này hiếm khi có cái kết đẹp với việc giá cả đi xuống. Giảm phát dù sao cũng vẫn là một gánh nặng càng lúc càng kéo nền kinh tế đi xuống.
Giả sử nhu cầu giảm xuống vì người tiêu dùng có ít tiền hơn. Bởi vì nhu cầu đi xuống, các doanh nghiệp phải giảm giá bán hàng hóa hay dịch vụ. Khi các doanh nghiệp giảm giá, lợi nhuận của họ sẽ giảm xuống. Khi lợi nhuận của doanh nghiệp giảm, họ không thể trả nhiều tiền cho nhân viên của mình. Và khi nhân viên không kiếm được nhiều tiền, họ sẽ có ít tiền hơn để tiêu xài. Chu trình này có thể tạo ra một vòng luẩn quẩn rất đáng sợ.
- Tác động tích cực của giảm phát
Tác động tích cực duy nhất của giảm phát chính là những tác động ngắn hạn. Giảm phát làm tăng sức mua của đồng tiền, có nghĩa là người tiêu dùng có thể nhận được nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn với số tiền mà họ bỏ ra. Trong ngắn hạn, người tiêu dùng có thể trả hết nợ hoặc tiết kiệm nhiều tiền hơn.
Tuy nhiên, cuối cùng, trừ khi giảm phát được điều chỉnh lại, còn nếu không thì các tác động tích cực sẽ kéo theo vòng xoáy giảm phát đi xuống và làm co thắt nền kinh tế.
9. Chính phủ giải quyết giảm phát như thế nào?
Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) giúp chính phủ và ngân hàng trung ương theo dõi tình hình tăng trưởng kinh tế và đảm bảo mọi ngành nghề đang tăng trưởng với tốc độ lành mạnh. Khi trường hợp đó không xảy ra thì có nghĩa là khi nền kinh tế tăng trưởng quá chậm hoặc quá nhanh, chính phủ có thể sẽ sử dụng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để đưa lạm phát về mức thích hợp.
Chính sách tài khóa là một công cụ để Quốc hội và nguyên thủ quốc gia giữ cho nền kinh tế trong tầm kiểm soát. Họ có thể làm điều này theo hai cách: điều chỉnh thuế và mức chi tiêu.
Như vậy, trong trường hợp giảm phát, khi nền kinh tế tăng trưởng quá chậm hoặc hoàn toàn không tăng trưởng, chính phủ có thể tăng chi tiêu và/hoặc cắt giảm thuế để giúp tăng nhu cầu và mức chi tiêu của người tiêu dùng. Mục tiêu của các chính sách này là rót nhiều tiền hơn cho người dân để họ chi tiêu nhiều hơn, từ đó làm tăng nhu cầu.
Chính sách tiền tệ thì được thực hiện bởi ngân hàng trung ương của một quốc gia. Tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang sẽ sử dụng chính sách tiền tệ để kiểm soát nguồn cung tiền của cả nước. Họ có thể gia tốc hoặc làm chậm lạm phát bằng cách tăng hoặc giảm nguồn tiền sẵn có.
Vì vậy, khi nước Mỹ đang trải qua giai đoạn giảm phát, Cục Dự trữ Liên bang có thể tăng lượng cung tiền. Họ cũng sẽ hạ lãi suất, từ đó giúp mọi người dễ dàng vay vốn hơn. Không chỉ các cá nhân có thể được vay dễ dàng hơn để chi tiêu tiền, mà các doanh nghiệp cũng có th
10. Ví dụ tiêu biểu về giảm phát trong quá khứ
Có lẽ ví dụ nổi tiếng nhất về giảm phát là cuộc Đại Khủng hoảng, bắt đầu với làn sóng sụp đổ của thị trường chứng khoán Mỹ vào ngày 04/09/1929. Tỷ lệ lạm phát trong những năm đó đã giảm xuống con số âm, có lúc xuống dưới ngưỡng -10%.
Nhiều người đã bị cho thôi việc hoặc không được trả đủ lương, nghĩa là họ không có tiền để chi tiêu. Tỷ lệ thất nghiệp trong thời kỳ Đại suy thoái lên tới gần 25%. Mức tăng trưởng của Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tức là giá trị của tất cả hàng hóa và dịch vụ được sản xuất, giảm xuống dưới 0 trong những năm 1930-1933, có nghĩa là giá trị sản xuất của nước Mỹ lúc đó đang giảm.
Cuộc Đại Khủng hoảng là một ví dụ rõ ràng về nguyên lý của vòng xoáy giảm phát đi xuống. Và chỉ cho đến khi Tổng thống Franklin D. Roosevelt phát động các chính sách tài khóa thì lạm phát mới bắt đầu tăng trở lại, đi kèm với đó là tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống và GDP tăng lên.