Thiên kiến trong giao dịch (Bias in Trading) – Giải thích lý do tại sao bạn mãi giao dịch thất bại?
Thiên kiến trong giao dịch (Bias in Trading) đôi khi hỗ trợ cho các nhà đầu tư rất nhiều trong việc giao dịch hiệu quả hơn, và ngược lại. Thiên kiến trong giao dịch có thể được hiểu là một quan điểm có phần thiên vị với một kết quả có thể xảy ra trong xu hướng của thị trường.
Do đó, với những nhà đầu tư “chân ướt chân ráo” bước vào thị trường, rất có thể thiên kiến sẽ làm cho họ thất bại, gây ra những khoản lỗ, hay cháy sạch luôn tài khoản. Vậy, thiên kiến trong giao dịch thực sự là gì? Vì sao các nhà đầu tư mãi giao dịch thất bại với thiên kiến? Bài viết hôm nay sẽ cùng thitruonghomnay.net tìm hiểu và giúp bạn nhận biết được lỗi thiên kiến, từ đó sửa chữa sai phạm của mình.
Thiên kiến trong giao dịch (Bias in Trading) là gì?
Thiên kiến (Bias) là một hiện tượng chỉ quan điểm có phần thiên vị về một phía, hay nói cách khác nhà đầu tư đang từ chối xem xét một cách logic về vấn đề nào đó. Người thiên kiến luôn cho rằng mình đúng trên một cơ sở nhất định và bỏ qua bất kỳ một phân tích tư duy hợp lý nào.
Trong lĩnh vực tài chính, thiên vị giao dịch là khuynh hướng hoặc quan điểm của nhà giao dịch về thị trường tài chính. Những thành kiến giao dịch này được xác định trong các phân tích kỹ thuật và hoặc cơ bản, khi nhà giao thiên vị và cho rằng một chiến lược hoặc phương pháp nào đó luôn đúng. Ngoài ra, chính vì bị chi phối bởi cảm xúc thiên vị đã tạo nên tính biến động khó đoán của thị trường tài chính này.
Thiên kiến trong giao dịch chính là một con dao hai lưỡi, có mặt tốt và xấu, đây là yếu tố quan trọng có thể quyết định sự thành hay bại trong một giao dịch của mỗi nhà đầu tư. Ngoài các khía cạnh như kinh nghiệm và kiến thức giao dịch – ảnh hưởng đến sự thành công của một nhà giao dịch, thì các cảm xúc như lo lắng, sợ hãi và tham lam đang khiến họ thất bại và dần “bào mòn” phần lãi kiếm được.
Do đó, việc xác định liệu bản thân có đang mắc các dạng thiên kiến trong giao dịch hay không là một việc rất cần thiết. Các nhà giao dịch hiểu được bản chất tâm lý giao dịch sẽ có thể đưa ra quyết định dựa trên lý trí, logic đúng đắn nhất. Điều đó có thể giúp nhà đầu tư có cơ hội kiếm được lợi nhuận cao hơn trong khi giao dịch, hoặc trong trường hợp xấu nhất, sẽ giảm thiểu mức độ thua lỗ.
Quá trình hình thành và cách nhận biết thiên kiến trong giao dịch
Trên thực tế, sự hình thành một thiên kiến cụ thể trong giao dịch diễn ra khá phức tạp trong não bộ con người. Tùy vào cách hình thành mà có thể nhận định được thiên kiến của nhà đầu tư là giàu có (Rich bias) hay nghèo nàn (Poor bias).
Để hình thành thiên kiến cần hai yêu tố sau:
Bias = Logical thinking + Ego (Tư duy logic + cái tôi)
Logical Thinking (tư duy logic)
Logical Thinking được hiểu đơn giản là cách mà nhà giao dịch vận dụng và áp dụng các phương pháp, chiến lược vào việc đánh giá thị trường cụ thể.
Tuy duy logic là sự kết hợp của kiến thức trội và kiến thức lặn. Với kiến thức trội, đó chính là định nghĩa, khái niệm mà bất kỳ một nhà giao dịch nào cũng có thể tìm tòi trong sách vở, trên mạng hay từ các chuyên gia khác. Đây là nguồn thông tin, kiến thức mà mọi nhà giao dịch đều có thể vận dụng được trong quá trình giao dịch và cho kết quả như nhau.
Kiến thức lặn lại thuộc phạm trù của các kỹ năng ẩn sâu bên trong con người, họ tìm tòi và khám phá rồi hình thành những kinh nghiệm trong quá trình nghiên cứu của mình. Kiến thức lặn mang tính cá nhân rất cao, con người phải trải qua một quá trình dày công thực nghiệm để hình thành và tạo nên kiến thức này.
Trên thực tế, với những nhà giao dịch lâu năm, có kiến thức lặn dồi dào và dày dặn kinh nghiệm thì họ thường tạo ra Rich Bias, và ngược lại với những nhà giao dịch non trẻ, mới bước chân vào thị trường thì thường sinh ra Poor Bias. Bởi nếu kiến thức trên thị trường cơ bản đều có thể giúp cho các nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận dễ dàng thì không có nhà giao dịch nào thua lỗ trên thị trường cả.
Cách vận dụng chính là mấu chốt cho một lượng kiến thức giống nhau nhưng lại tạo ra rất nhiều kết quả khác nhau. Có những nhà đầu tư vận dụng rất tốt các kiến thức về phân tích kỹ thuật, phân tích cơ bản, các công cụ giao dịch, để chúng liên kết với nhau và tạo nên lợi nhuận cho họ, nhưng một số nhà đầu tư khác lại không thể làm được như vậy.
Ego (Cái tôi)
Cái tôi vốn dĩ là bản năng của mỗi con người. Trong giao dịch, nhiều nhà đầu tư mới thường rất dễ bị dẫn dắt bởi cái tôi và không đủ tỉnh táo để nhận thức được hành vi sai lầm của mình.
Khi bị cái tôi dẫn dắt, nhà giao dịch sẽ dễ dàng phạm những sai lầm như: nhồi lệnh, giao dịch quá mức, hoảng loạn bán tháo, giao dịch một cách phi lý mà bỏ qua các chiến lược ban đầu,.. Đây chính là những dấu hiệu cho thấy các nhà giao dịch đang nuông chiều chính cái tôi bản năng của họ. Tuy nhiên, mỗi này vẫn có thể xảy ra ở những nhà giao dịch lâu năm, bởi họ thường nhận định rằng “tôi đã giao dịch lâu năm, có rất nhiều kinh nghiệm, những gì tôi làm đều rất hợp lý và chính xác”.
Trên đây là một số phân tích cho thấy lí do tại sao các nhà giao dịch luôn va phải bẫy thiên kiến. Dù thiên kiến có mặt lợi và hại nhưng nó vẫn hoàn toàn ảnh hưởng đến khả năng thành công trong giao dịch và gây thua lỗ nếu nhà giao dịch không kiểm soát kịp thời các ảnh hưởng xấu của thiên kiến.
Các loại thiên kiến trong giao dịch
Mỗi người chúng ta đều luôn tồn tại chính kiến của riêng mình và bộ não sẽ dựa vào những thông tin có sẵn này và đưa ra kết luận. Những thông tin đó không phải lúc nào cũng chính xác và đáng tin cậy, nhưng nhà giao dịch sẽ thiên vị chúng vì chúng tồn tại sẵn trong não và khiến họ không thể nhìn thấy được bức tranh đầy đủ.
Chính điều này khiến cho nhà giao dịch suy nghĩ, hành động và phán đoán mang tính cá nhân cao. Dưới đây là một số thiên kiến của các nhà đầu tư trong giao dịch:
- Thiên kiến xác nhận
Cách mà các nhà đầu tư tìm mọi lý do, mọi bằng chứng để giải thích, thuyết phục giả thuyết ban đầu của mình là đúng được gọi là thiên kiến xác nhận.
Nhiều nhà đầu tư trở thành nạn nhân của việc giao dịch theo thiên kiến xác nhận. Đơn giản như việc họ nhận định giá tăng và sẽ tìm mọi bằng chứng để chứng minh điều đó là đúng nhưng lại không hề đưa ra khả năng ngược lại hoặc tìm cách đưa ra nhiều khả năng khác nhau.
Để vượt qua thiên kiến xác nhận, các nhà đầu tư cần: đặt câu hỏi và tìm kiếm thông tin trái ngược: Khi một nhà đầu tư đã hoàn toàn khách quan trong việc thu thập thông tin hỗ trợ ý kiến của mình, thì từ đó họ đưa ra quyết định đầu tư một cách cụ thể. Và tránh đặt định kiến xác nhận: Nên đặt câu hỏi xác nhận liệu suy nghĩ của mình có đúng hay không?
- Thiên kiến bảo thủ
Đây là kiểu thiên kiến mà các nhà đầu tư thường ủng hộ những thông tin cũ hơn là những thông tin mới của thị trường. Những nhà đầu tư theo thiên kiến này luôn cho rằng quyết định của mình là đúng, không tiếp thu những cái mới, những kỹ năng mới, làm cho kết quả giao dịch liên tục “dậm chân tại chỗ” mà không khả quan hơn được..
Để vượt qua thiên kiến bảo thủ, nhà đầu tư nên: kiểm tra dữ liệu, luôn luôn đứng ở góc nhìn khách quan, ghi lại quá trình suy nghĩ của mình, thành kiến nhận thức nào cũng phải là xem xét lại. Đưa ra quyết định cho mình một cách nhanh chóng, khách quan và logic và phân tích kết quả
- Thiên kiến mỏ neo
Thiên kiến mỏ neo là thiên kiến khiến nhà đầu tư luôn bị phụ thuộc quá nhiều vào phần thông tin đầu tiên về một chủ đề nào đó.
Thiên kiến mỏ neo thể hiện qua việc lập kế hoạch hoặc tính toán về điều gì đó, nhưng các nhà đầu tư lại giữ góc nhìn theo hướng của những thông tin ban đầu quá nhiều và kém khách quan.
Trong giao dịch, điều này có thể là việc nhà đầu tư cố gắng bám víu vào một xu hướng giá đã tin tưởng trước đó, nhưng ngay thời điểm hiện tại và tương lai, xu hướng đó đã thay đổi. Hay nói một cách khác, trong giao dịch, thiên kiến này tác động đến nhà đầu tư, làm cho họ dễ dàng loại bỏ những thông tin mới nhất hoặc những thay đổi của điều kiện thị trường.
Kết quả là, nhà đầu tư với thiên kiến này sẽ bị mắc kẹt trong các dữ liệu cũ và không liên quan đến thị trường trong hiện tại. Dấu hiệu để nhận thấy mình đang bị vướng phải “chiếc neo” này đó là các nhà đầu tư luôn giữ các vị thế vốn dĩ đã đảo chiều và có khả năng cao kết thúc trong thua lỗ, nhưng vẫn cứ khăng khăng tin rằng giá sẽ tiếp đi đúng theo những dự đoán ban đầu.
- Thiên kiến sợ thua lỗ
Sau khi nhà đầu tư chứng kiến một loại giao dịch thua và mất niềm tin vào khả năng giao dịch của bản thân thì thiên kiến thua lỗ sẽ xảy ra.
Mặc dù thiên kiến này trông có vẻ sẽ giúp nhà đầu tư cẩn trọng và cảnh giác với những rủi ro hơn, nhưng thực ra không phải vậy. Thiên kiến này khiến nhà đầu tư lo lắng không phải vì những thông tin logic về thực tế thị trường mà đơn giản vì sợ mất tiền.
Điều này sẽ tác động đến việc nhà đầu tư chốt lời quá sớm và khiến cho khả năng có lợi nhuận về dài hạn bị giảm sút trầm trọng đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến tỉ lệ Risk:Reward cũng như chiến lược của họ.
- Thiên kiến về tác động gần đây
Nếu nhà đầu tư đang đánh giá những sự kiện xảy ra trong quá khứ gần có một sự ảnh hưởng lớn hơn các sự kiện trước đó xa hơn thị họ sẽ gặp phải thiên kiên về tác động gần đây. Thiên kiến này thường làm sai lệch những phân tích của trader. Nó khiến nhà đầu tư đặt nặng những sự kiện trong khoảng thời gian gần đây hơn là một bức tranh toàn cảnh. Đó cũng chính là cách để khắc phục thiên kiến này: hãy nhìn mọi thứ với góc nhìn rộng hơn.
- Hiệu ứng bầy đàn
Trong lĩnh vực tài chính, hiệu ứng bầy đàn có thể hiểu như là hiện tượng mà hầu hết các nhà đầu tư đều đang làm theo một thứ gì đó mà họ thấy các nhà đầu tư khác đang làm, thay vì họ tuân theo nguyên tắc và phân tích của chính bản thân, họ lại bị thu hút bởi tâm lý đám đông.
Hay nói cách khác, nhà đầu tư sẵn sàng bỏ tiền để mua một sản phẩm mà chẳng hiểu lý do tại sao, vì đơn thuần người khác cũng đang mua chúng. Tâm lí bầy đàn là một hiệu ứng tâm lí cho thấy thiếu sự thiếu quyết đoán, mang tính cá nhân và đồng thời khiến con người hành xử theo đám đông.
Trong tài chính, tâm lí bầy đàn là nguyên nhân chính dẫn đến rất nhiều lần Uptrend lớn của thị trường hoặc các cuộc bán tháo vô căn cứ trong lịch sử. Tâm lí bầy đàn cũng là nguyên nhân chính dẫn đến bong bóng tài sản trên thị trường chứng khoán, tiền ảo. Bong bóng dotcom năm 1990 và đầu những năm 2000 là một ví dụ cụ thể về tâm lí bầy đàn và khi bong bóng sụp đổ thì nhà đầu tư thiệt hại cả ngàn tỷ đồng.
Kết luận
Trong đầu tư và thị trường tài chính, thiên kiến trong đầu tư (Bias in Trading) luôn có mặt tốt và mặt xấu. Phụ thuộc vào cách mà mỗi nhà giao dịch áp dụng, thiên kiến sẽ phát huy như là một công cụ hỗ trợ hoặc gây thất bại. Hy vọng thông qua bài viết trên, nhà đầu tư đã có thể nhận biết được mình có đang mắc phải lỗi thiên kiến hay không, và cụ thể là lỗi nào, để qua đó tiến hành sửa chữa sai phạm, để tránh các khoản lỗ và đầu tư hiệu quả hơn.