Thời gian đáo hạn bình quân (duration) là thước đo độ nhạy cảm của giá trái phiếu hoặc các tài sản thu nhập cố định khác đối với những thay đổi của lãi suất.

Investo đầu tư 101: thời gian đáo hạn bình quân của trái phiếu là gì?

Hiểu về thời gian đáo hạn bình quân

Thời gian đáo hạn bình quân là một công cụ hữu ích cho các nhà đầu tư tài sản thu nhập cố định vì nó giúp họ hiểu được rủi ro lãi suất của khoản đầu tư của mình. Chỉ số này đo lường cả độ nhạy cảm của tài sản đối với những thay đổi trong lãi suất và khoảng thời gian cần thiết để bạn thu hồi vốn mức giá hiện tại của trái phiếu, tính đến tất cả các khoản thanh toán lãi suất trong tương lai và giá trị khi đáo hạn. Hai yếu tố thường ảnh hưởng đến thời gian đáo hạn bình quân là thời gian đáo hạn (còn gọi là thời hạn – khoảng thời gian cho đến khi trái phiếu đáo hạn) và lãi suất trái phiếu (còn gọi là lãi suất coupon – lợi tức bạn nhận được). Nói chung, bạn càng mất nhiều thời gian để thu hồi giá trái phiếu thì khoản đầu tư của bạn càng nhạy cảm hơn với việc thay đổi lãi suất. Một nguyên tắc chung là thời gian đáo hạn càng dài thì thời gian đáo hạn bình quân càng dài – giá trị của trái phiếu càng nhạy cảm với những thay đổi của lãi suất.

Xem thêm: Investo đầu tư 101: Nợ phải trả là gì?

VÍ DỤ

Chúng ta hãy xem xét các trái phiếu hư cấu được phát hành bởi hai công ty hư cấu Al và Bob. Đối với ví dụ này, giả sử hai trái phiếu có giá tương tự nhưng thời gian đáo hạn bình quân khác nhau. Vậy một thay đổi của lãi suất sẽ ảnh hưởng đến hai trái phiếu như thế nào? Giá hiện tại cho cả hai trái phiếu là 100 USD, nhưng bạn sẽ mất ba năm để thu hồi vốn cho trái phiếu của Al (đó là thời gian đáo hạn bình quân), trong khi bạn sẽ mất năm năm với trái phiếu của Bob. Theo các quy tắc thông thường, với mỗi 1% thay đổi lãi suất (tăng hoặc giảm), giá trái phiếu cũng sẽ thay đổi khoảng 1% theo chiều ngược lại trong mỗi năm của thời gian đáo hạn bình quân. Vì vậy, nếu lãi suất tăng 1%, giá trái phiếu Al sẽ giảm khoảng 3% (1% x 3 năm) xuống còn 97 USD và của Bob sẽ mất khoảng 5% (1% x 5 năm) xuống còn 95 USD. Trái phiếu của Bob nhạy cảm hơn với thay đổi lãi suất vì thời gian đáo hạn bình quân dài hơn.

Bài học rút gọn

Thời gian đáo hạn bình quân giống như một đồng hồ đo áp suất giúp bạn đo độ nhạy đối với những thay đổi …

Giống như đồng hồ đo áp suất cho bạn biết điều gì đó về cách chất lỏng hoặc chất khí bên trong bồn chứa phản ứng với các điều kiện bên ngoài, thời gian đáo hạn bình quân giúp bạn hiểu mức độ nhạy cảm của khoản đầu tư của mình đối với các biến động trong lãi suất.

Thời gian đáo hạn bình quân của một danh mục đầu tư là gì?

Danh mục đầu tư trái phiếu chỉ đơn giản là một rổ chứng khoán thu nhập cố định được nhóm lại để tăng tính đa dạng. Danh mục đầu tư trái phiếu rất giống với danh mục đầu tư cổ phiếu. Bạn cũng có thể thấy cụm từ “danh mục” và “quỹ” được sử dụng thay thế cho nhau; vì vậy, đừng để việc đó khiến bạn nhầm lẫn.

Thời gian đáo hạn bình quân của danh mục đầu tư trái phiếu giúp nhà đầu tư hiểu được mức độ nhạy cảm của danh mục đối với một sự thay đổi trong lãi suất. Thời gian đáo hạn bình quân của một danh mục đầu tư và thời gian đáo hạn bình quân của một trái phiếu riêng lẻ thường được sử dụng vì những mục đích tương tự nhau – để hiểu được độ nhạy cảm với những thay đổi của lãi suất và biết nhà đầu tư sẽ mất bao lâu để thu hồi chi phí cho khoản đầu tư.

Thời gian đáo hạn bình quân cũng giúp bạn so sánh các quỹ trái phiếu khác nhau để xem quỹ nào có thể phù hợp hơn với mục tiêu của bạn. Ví dụ, bạn có thể đang kỳ vọng lãi suất sẽ sớm tăng lên. Trong trường hợp này, bạn sẽ muốn chọn một quỹ có thời gian đáo hạn bình quân ngắn hơn với ít rủi ro lãi suất hơn.

Thời gian đáo hạn bình quân khác với thời gian đáo hạn (maturity) như thế nào?

Thời gian giáo hạn bình quân và thời gian đáo hạn (thời hạn) đôi khi bị nhầm lẫn vì cả hai đều được đo bằng đơn vị thời gian.

Nhưng đây là sự khác biệt:

Thời gian đáo hạn đo lường khoảng thời gian cho đến khi trái phiếu đáo hạn. Nếu một trái phiếu kỳ hạn 30 năm được phát hành cách đây 10 năm thì trái phiếu đó có thời gian đáo hạn là 20 năm. Nó là một phép đo thời gian tuyến tính.

Ngược lại, thời gian đáo hạn bình quân đo lường độ nhạy cảm của trái phiếu đối với những thay đổi của lãi suất cũng như thời gian cần để thu hồi vốn giá hiện tại của trái phiếu. Thời gian đáo hạn bình quân có thể thay đổi khi lãi suất thay đổi (trong khi thời gian đáo hạn sẽ không thay đổi trong trường hợp này). Vì vậy, thời gian đáo hạn bình quân của trái phiếu hôm nay có thể là ba năm, nhưng nếu lãi suất thay đổi vào ngày mai, thời gian đáo hạn bình quân của trái phiếu cũng sẽ thay đổi theo.

Thời gian đáo hạn bình quân khác với độ lồi (convexity) như thế nào?

Thời gian đáo hạn bình quân đo lường độ nhạy cảm của giá trái phiếu với lãi suất một cách tuyến tính (đường thẳng). Nó có thể là một cách tuyệt vời để ước tính mối quan hệ đó – nhưng mối quan hệ giữa giá trái phiếu và lợi suất trái phiếu thực sự là một đường cong.

Độ lồi đo độ cong đó. Các nhà đầu tư chuyên nghiệp thường sử dụng độ lồi như một công cụ quản lý rủi ro. Nó giúp họ quản lý tốt hơn mức độ tiếp xúc với thay đổi lãi suất của danh mục đầu tư.

Thời gian đáo hạn bình quân hoạt động như thế nào?

Thời gian đáo hạn bình quân giúp bạn biết được ảnh hưởng của lãi suất đối với khoản đầu tư của mình từ hai góc độ khác nhau: độ nhạy và thời gian. Cả hai góc độ đều có giá trị khi bạn muốn hiểu rủi ro lãi suất của mình. Theo quy luật thông thường, trái phiếu có thời gian đáo hạn bình quân càng dài thì giá sẽ càng giảm hoặc tăng nhiều hơn khi lãi suất thay đổi.

Có rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng lớn đến thời gian đáo hạn bình quân.

  • Thời gian đáo hạn: Đây là khoảng thời gian trước khi trái phiếu hoặc công cụ nợ khác đáo hạn hoặc kết thúc. Nhìn chung, một trái phiếu đáo hạn sớm hơn, chẳng hạn một hoặc hai năm, sẽ cho phép bạn thu lại chi phí của trái phiếu tương đối nhanh hơn. Điều đó có nghĩa là nó có thời gian đáo hạn bình quân ngắn và ít rủi ro lãi suất hơn.
  • Lãi suất trái phiếu: Đây là lãi suất do tổ chức phát hành trái phiếu trả cho bạn. Thông thường, lãi suất trái phiếu càng cao thì bạn càng có thể thu lại nhanh hơn giá của trái phiếu. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ có thời gian đáo hạn bình quân thấp hơn và ít phải chịu rủi ro lãi suất hơn.

Thời gian đáo hạn bình quân Macaulay là gì?

Thời gian đáo hạn bình quân Macaulay giúp các nhà đầu tư tìm thấy giá trị quy về hiện tại của các khoản thanh toán lãi suất trong tương lai của trái phiếu và giá trị khi đáo hạn. Nói cách khác, bạn mất bao lâu để thu hồi vốn giá của trái phiếu? Nhà đầu tư thực hiện điều này bằng cách tính giá trị trung bình theo tỷ trọng thời gian đáo hạn của dòng tiền từ trái phiếu.

Theo ngôn ngữ thông thường: thời gian đáo hạn Macaulay = giá trị quy về hiện tại của dòng tiền của trái phiếu, được tính tỷ trọng theo thời gian nhận được chúng và chia cho giá trị thị trường hiện tại của trái phiếu.

Ví dụ tính thời gian đáo hạn bình quân Macaulay

Hãy xem xét một trái phiếu có mệnh giá 100 USD trả một lãi suất 6% và sẽ đáo hạn sau 2 năm. Lãi suất là 4% (lãi suất gộp nửa năm một lần), thanh toán lãi suất được trả hai lần mỗi năm và vốn gốc được trả vào lần thanh toán cuối cùng. Vì trái phiếu đáo hạn sau 2 năm và trả lãi mỗi nửa năm nên sẽ có bốn chu kỳ. Để bắt đầu, bạn cần tính dòng tiền sẽ như thế nào trong 2 năm tới:

Kỳ 1: 3 USD

Kỳ 2: 3 USD

Kỳ 3: 3 USD

Kỳ 4: 103 USD

Bây giờ chúng ta cần áp dụng một hệ số chiết khấu cho từng thời kỳ. Bạn tính hệ số này với công thức 1/(1 + r)^n với r là lãi suất và n là chu kỳ. Lãi suất gộp nửa năm một lần nên r = 4%/2 = 2%. Bây giờ bạn có thể tính toán các hệ số chiết khấu.

Kỳ 1: 1/(1 + ,02)^1 = ,9804

Kỳ 2: 1/(1 + ,02)^2 = ,9612

Kỳ 3: 1/(1 + ,02)^3 = ,9423

Kỳ 4: 1/(1 + ,02)^4 = ,9238

Để tìm giá trị quy về hiện tại của các dòng tiền của trái phiếu, bạn nhân số chu kỳ với dòng tiền của chu kỳ đó rồi với hệ số chiết khấu của nó. Giá trị hiện tại = chu kỳ x dòng tiền của chu kỳ x hệ số chiết khấu của chu kỳ

Kỳ 1: 1 x 3 USD x ,9804 = 2,94 USD

Kỳ 2: 2 x 3 USD x ,9612 = 5,77 USD

Kỳ 3: 3 x 3 USD x ,9423 = 8,48 USD

Kỳ 4: 4 x 103 USD x ,9238 = 380,62 USD

Tính tổng các con số này sẽ mang lại cho bạn 397,81 USD làm tử số trong phép tính thời gian đáo hạn bình quân Macaulay.

Tiếp theo, bạn tính giá trái phiếu hiện tại bằng cách cộng giá trị quy về hiện tại của các dòng tiền trong từng chu kỳ. Phép tính này cung cấp cho bạn mẫu số.

Kỳ 1: 3 USD / (1 + ,02)^1 = 2,94 USD

Kỳ 2: 3 USD / (1 + ,02)^2 = 2,88 USD

Kỳ 3: 3 USD / (1 + ,02)^3 = 2,83 USD

Kỳ 4: 103 USD / (1 + ,02)^4 = 95,16 USD

Điều này mang lại cho bạn tổng cộng 103,81 USD cho mẫu số.

Thời gian đáo hạn bình quân Macaulay = 397,81 USD / 103,81 USD = 3,83 chu kỳ.

Hãy nhớ rằng mọi thứ đang được thanh toán và cộng gộp nửa năm một lần. Trong ví dụ này, chúng ta tính toán cho bốn chu kỳ. Vì vậy, khi bạn chia thời hạn Macaulay cho hai, bạn sẽ nhận được 1,91 năm. Thời gian đáo hạn bình quân ngắn hơn thời gian đáo hạn là 2 năm. Khi một trái phiếu trả lãi suất, thời gian đáo hạn bình quân sẽ ngắn hơn thời gian đáo hạn.

Thời gian đáo hạn bình quân điều chỉnh là gì?

Thời gian đáo hạn bình quân điều chỉnh đo lường sự thay đổi giá trị của một chứng khoán dựa trên sự thay đổi của lãi suất. Một nguyên tắc chung là với mỗi 1% thay đổi trong lãi suất (tăng hoặc giảm), giá chứng khoán cũng sẽ thay đổi khoảng 1% theo hướng ngược lại trong mỗi năm của thời gian đáo hạn bình quân. Ví dụ: nếu một trái phiếu có giá trị 100 USD, thời gian đáo hạn bình quân 4 năm và lãi suất tăng 1% thì giá trái phiếu sẽ giảm 4% xuống 96 USD (1% x 4 năm).

Ví dụ tính thời gian đáo hạn bình quân điều chỉnh

Thời gian đáo hạn bình quân điều chỉnh được tính theo Macaulay, tức là giá trị quy về hiện tại của các khoản thanh toán lãi suất trong tương lai của trái phiếu và giá trị khi đáo hạn. Bạn sử dụng thời gian đáo hạn bình quân điều chỉnh để hiểu một mức thay đổi 1% trong lãi suất sẽ ảnh hưởng như thế nào đến giá trái phiếu.

Ví dụ, một trái phiếu có thời gian đáo hạn bình quân Macaulay là 2,5 năm, lợi suất hiện tại là 5% và lãi suất được thanh toán mỗi năm một lần. Lãi suất tăng 1% sẽ ảnh hưởng đến trái phiếu này như thế nào? Phép tính sẽ trông giống như sau:

2,5 / (1,05 / 1) = 2,38%

Điều này có nghĩa là nếu lãi suất tăng 1%, thì giá trái phiếu sẽ giảm khoảng 2,38%.

Chiến lược thời gian đáo hạn bình quân là gì?

Có hai loại chiến lược thời gian đáo hạn bình quân mà nhà đầu tư thường tuân theo – thời gian đáo hạn bình quân dài và thời gian đáo hạn bình quân ngắn. Nếu bạn sử dụng cách tiếp cận thời gian đáo hạn bình quân dài, bạn có khả năng mua trái phiếu với thời gian đáo hạn dài, khiến bạn phải đối mặt với rủi ro lãi suất cao hơn. Bạn có thể sử dụng chiến lược này khi lãi suất đang giảm – như trong một thời kỳ suy thoái.

Bạn có thể sử dụng chiến lược thời gian đáo hạn bình quân ngắn nếu bạn tin rằng lãi suất sẽ tăng trong ngắn hạn. Với cách tiếp cận thời gian đáo hạn bình quân ngắn, bạn có thể mua trái phiếu có thời gian đáo hạn ngắn và thời gian đáo hạn bình quân ngắn hơn. Mỗi chiến lược sẽ phụ thuộc vào quan điểm của bạn về môi trường lãi suất.

Bạn không bao giờ có thể dự đoán một cách chắc chắn liệu lãi suất sẽ tăng hay giảm. Hãy xem xét cẩn thận các mục tiêu đầu tư của bạn. Mọi khoản đầu tư đều đi kèm rủi ro.