1. Định nghĩa:
Tiền pháp định (hay tiền định danh, tiền fiat) là loại tiền tệ có giá trị vì chúng được chính phủ hậu thuẫn, chứ không phải vì đồng tiền này đại diện cho quyền sở hữu hàng hóa vật chất, chẳng hạn như vàng.

2. Tìm hiểu về tiền pháp định
Theo dòng lịch sử, tiền tệ có giá trị vì chúng được làm bằng các vật liệu đáng giá (như vàng hoặc bạc) hoặc có thể được dùng để đổi lấy những thứ đó. Tiền pháp định có giá trị chỉ vì chúng được chính phủ hậu thuẫn và không bị ràng buộc với bất kỳ thứ gì khác ngoài tờ giấy có in số trên đó. Xã hội chấp nhận rằng tiền pháp định có giá trị bởi vì tất cả đều đồng ý rằng chúng có giá trị.
Chẳng hạn như ở Mỹ, Bộ Tài chính Mỹ sẽ in tiền và Cục Dự trữ Liên bang (Fed), tức là ngân hàng trung ương của quốc gia này, sẽ kiểm soát lượng tiền đang lưu hành. Hầu như không có bất kỳ đồng tiền nào đang lưu chuyển trong nền kinh tế hiện đại được bảo đảm bởi những vật chất hữu hình. Trên thực tế, hầu hết các giao dịch ngày nay thậm chí còn không hề phát sinh nghiệp vụ chuyển tiền giấy và tiền xu.
Ví dụ
Năm 1900, nước Mỹ chính thức áp dụng chế độ bản vị vàng, quy định rằng tất cả tiền in ra đều có thể đổi được thành một lượng vàng nhất định. Điều đó có nghĩa là số lượng giao dịch có thể diễn ra ở Mỹ sẽ bị giới hạn bởi số lượng vàng mà chính phủ nước này sở hữu. Cuộc Đại Khủng hoảng đã khiến người dân tại đây đua nhau tích trữ vàng, khiến chính phủ Mỹ khó có thể tìm đủ lượng vàng để thực thi chính sách tiền tệ (quản lý lượng tiền cung ứng để tác động đến nền kinh tế).
Đến năm 1933, hầu hết các nước phát triển đã quyết định rằng việc ấn định số lượng vàng trong kho bạc sẽ là một thứ kìm kẹp ngớ ngẩn đối với nền kinh tế. Nếu nền kinh tế cần nhiều tiền hơn để cho phép các hoạt động giao dịch diễn ra, chính phủ có thể chỉ cần in thêm tiền. Từ đó, bản vị vàng đã bị loại bỏ và tiền pháp định đã trở thành một quy chuẩn bình thường mới.
3. Bài học
Tiền pháp định cũng giống như một tờ giấy đăng ký kết hôn vậy…
Đó là một tờ giấy có giá trị do chính phủ tạo ra bởi vì tất cả mọi người tham gia đều đồng ý rằng chúng mang theo ý nghĩa nhất định. Nếu không ai tin vào những thứ được in trên tờ giấy đó, chúng sẽ chẳng có giá trị gì cả. Nhưng chỉ vì bạn không thể mang giấy đăng ký kết hôn của mình đến ngân hàng và đổi lấy vàng thì cũng không có nghĩa là chúng vô giá trị.
4. Tiền pháp định (fiat) là gì?
“Fiat” là một từ tiếng Latinh có nghĩa là “theo luật định”. Nói một cách dễ hiểu, chúng có nghĩa là chính phủ tuyên bố cái gì có giá trị thì thứ đó có giá trị. Trong trường hợp của tiền fiat, chính phủ in ra các tờ tiền đó, đóng dấu mức giá trị lên và tuyên bố với tất cả người dân rằng những tờ giấy này được chấp nhận là một phương thức thanh toán cho hàng hóa và dịch vụ.
Miễn là ai ai cũng thống nhất chấp nhận giá trị này thì tiền fiat sẽ cho phép các giao dịch được diễn ra và đóng vai trò như một loại tiền tệ pháp định (pháp luật bắt buộc phải chấp nhận thanh toán bằng đồng tiền đó).
Tính đến năm 2020, tất cả các loại tiền tệ được giao dịch quốc tế đều là tiền pháp định. Có khoảng 180 loại tiền tệ pháp định đang tồn tại trên thị trường toàn cầu, bao gồm đồng Dollar Mỹ, đồng euro, đồng bảng Anh và nhiều loại tiền khác.
Việc luân chuyển các kim loại quý để giao dịch qua lại hiện nay được coi là một mô hình lỗi thời trong các hoạt động thương mại. Cho đến năm 1971, giá trị của các đồng tiền khác vẫn được cố định theo đồng Dollar Mỹ, và giá trị của Dollar Mỹ được tính ra bằng vàng dựa trên mức giá do Quốc hội Hoa Kỳ ấn định. Cũng trong năm 1971, Tổng thống Richard Nixon đã phá bỏ hệ thống bản vị vàng với một động thái được mệnh danh là “cú sốc Nixon”.
Giờ đây, các hoạt động trao đổi tiền tệ toàn cầu hoàn toàn không vận hành dựa trên vàng. Thay vì cho phép tất cả các loại tiền tệ được đảm bảo bởi vàng dịch chuyển song song với nhau, dựa trên mức cung và cầu vàng, mỗi loại tiền tệ pháp định sẽ thay đổi giá trị dựa trên cung và cầu của chính loại tiền tệ đó. Giá trị tương đối của một loại tiền tệ này so với một loại tiền tệ khác được gọi là tỷ giá hối đoái.
5. Nguyên lý hoạt động của tiền pháp định
Tất cả các tờ tiền đều là giấy chứng nhận nợ. Ngày xưa, tiền là một loại giấy ghi nợ có thể được thu hồi sau đó. Ví dụ, một người nông dân có thể đổi một chục quả trứng ngày hôm nay để lấy 10 trái bắp khi thu hoạch.
Để theo dõi số nợ, người nông dân sau khi cung ứng trứng sẽ nhận được một mảnh giấy cho biết chúng có thể được đổi lấy bắp vào mùa thu. Tại thời điểm đó, bản thân tờ giấy có giá trị bằng 10 trái bắp và người nắm giữ giấy ghi nợ có thể đổi chúng lấy sữa, bánh mì hoặc bất cứ thứ gì khác.
Bởi vì hệ thống trao đổi này yêu cầu mỗi bên phải sở hữu những thứ mà những người còn lại mong muốn, nên song phương chỉ có thể giao dịch khi cả hai đều phát sinh nhu cầu cùng lúc. Như vậy, quy trình này sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu có một thứ gì đó trung lập mà có thể làm tín vật cho hoạt động giao dịch trao đổi. Trong một quãng thời gian dài, vàng là thứ kim loại đã phục vụ cho mục đích đó.
Nhưng cứ mỗi khi giao dịch thì lại phải cân ký vàng, mà điều này thật sự quá phức tạp. Chính phủ các nước khi đó bắt đầu lập ra tiêu chuẩn cho quy trình này bằng cách đúc những đồng tiền giống hệt nhau, tất cả đều chứa cùng một lượng vàng. Họ đặt những đường gờ xung quanh mép của mỗi đồng tiền vàng để chỉ ra rằng không có mảnh vàng nào bị cạo đi. Cách làm này cho phép các hoạt động giao dịch diễn ra thoải mái hơn, vì khi đó mọi người đều hiểu rõ mỗi đồng tiền có giá trị bao nhiêu.
Nhưng mang theo nhiều vàng thì sẽ rất nặng, và nếu bạn ôm trong người tất cả tiền bạc thì đó là cách làm rất nguy hiểm. Vì vậy, mọi người bắt đầu cất giữ vàng của họ trong các kho tiền ở ngân hàng để bảo đảm an toàn và thuận tiện. Thay vì đến ngân hàng để lấy vàng ra khỏi két mỗi khi họ đi chợ, mọi người sẽ nhận được giấy chứng nhận từ các nhân viên ngân hàng để làm bằng chứng rằng họ sở hữu một lượng vàng nhất định.
Những tờ giấy này có thể được đổi thành vàng bằng cách giao chúng ra cho ngân hàng. Như vậy, thay vì trao đổi vàng thật, quyền sở hữu vàng có thể được chuyển nhượng bằng cách đưa cho người khác tờ giấy mà bạn sở hữu.
Người nắm giữ vàng nhiều nhất thường là chính phủ. Chính phủ bắt đầu in tiền giấy do chính họ phát hành để đổi lấy vàng được cất giữ trong kho bạc quốc gia. Trên thực tế, hiếm có ai đến ngân hàng hoặc kho bạc để đổi các tờ tiền ra thành vàng. Bản thân tờ giấy đó đã trở thành loại tiền tệ được giao dịch sang tay.
Bản vị vàng (sợi dây ràng buộc trực tiếp giữa tiền tệ pháp định và vàng) có những mặt trái nhất định. Thứ nhất, giá trị của vàng có thể bị người khác thao túng. Điều này có nghĩa là giá trị tài sản của một quốc gia, vốn được ghi trên bảng cân đối kế toán, có thể đột ngột giảm nếu một quốc gia khác tung ra nhiều vàng vào thị trường hoặc nếu xuất hiện một nguồn vàng mới.
Hầu hết các quốc gia đã từ bỏ chế độ bản vị vàng vào những năm 1930. Từ thời điểm đó trở đi, tiền tệ pháp định có giá trị bằng số tiền được in trên giấy thay vì giá trị của lượng vàng mà chúng đại diện. Việc tách rời tiền fiat khỏi hàng hóa vật chất như thế này đã biến những mảnh giấy ghi nợ đó thành nguồn tiền chính thức (tiền pháp định) trong một quốc gia. Từ đó trở đi, tiền sẽ có giá trị “theo luật định” thay vì căn cứ trên quyền sở hữu đối với tài sản gốc.
6. Ưu và nhược điểm của tiền pháp định
Việc giao dịch những đồng tiền không có giá trị nội tại sẽ có những ưu điểm và nhược điểm riêng:
Ưu điểm:
Giá trị của bất cứ thứ gì cũng đều phụ thuộc vào độ khan hiếm của chúng. Khi tiền được neo theo một thứ gì đó, cho dù đó là vàng, bạc hay thuốc lá, thì giá trị của đồng tiền sẽ thay đổi khi các lực lượng bên ngoài thay đổi mức phổ biến của chúng. Như vậy, chính phủ sẽ có ít quyền kiểm soát hơn đối với một loại tiền tệ được đảm bảo bởi một loại hàng hóa cụ thể.
Với tiền pháp định, chính phủ sẽ không dễ bị tác động bởi các lực lượng bên ngoài. Họ có thể dễ dàng thay đổi giá trị tương đối của tiền tệ bằng cách in thêm hoặc loại bỏ một phần khỏi quy trình lưu thông. Cách làm đó mang lại cho chính phủ nhiều quyền lực hơn để tạo sức ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Nếu họ cần kích thích nền kinh tế, họ có thể in thêm tiền. Nếu cần chống lạm phát, chính phủ có thể rút một lượng tiền ra khỏi thị trường và cất vào kho bạc. Những công cụ như chính sách tiền tệ (tác động đến lượng cung tiền) là đòn bẩy quan trọng trong hệ thống kinh tế hiện đại.
Đồng tiền pháp định cũng giúp loại bỏ quá trình chuyển vàng rườm rà giữa các kho bạc. Vàng thì nặng và bất tiện khi chuyển. Với tiền pháp định, quá trình theo dõi và trao đổi tiền tệ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Nhược điểm:
Việc các nhà lãnh đạo có quyền kiểm soát nhiều hơn đối với tiền tệ có thể sẽ phản tác dụng. Một chính phủ vô kỷ luật có thể sẽ in ra quá nhiều tiền. Khi điều đó xảy ra, giá trị của mỗi đơn vị tiền tệ sẽ trở nên ít hơn (hay còn gọi là lạm phát). Nếu mọi thứ thực sự vượt quá tầm kiểm soát, tiền pháp định có thể trở nên gần như vô giá trị trong bối cảnh siêu lạm phát (lạm phát cực nhanh). Đó là những gì đã xảy ra ở Đức sau Thế chiến thứ nhất và gần đây là ở Bolivia và Zimbabwe hay Venezuela.
Không giống như tiền pháp định, nếu một loại tiền tệ được neo theo một số loại hàng hóa thực chất thì chính phủ sẽ khó có khả năng “vung tay quá trán”, tức là chi nhiều tiền hơn so với khả năng chi trả. Đối với một số người, đó là một đặc tính quan trọng giúp giới hạn mức chi tiêu của chính phủ và sẽ mang lại sự ổn định cho đồng tiền.
7. Sự khác biệt giữa đồng tiền pháp định, đồng tiền đại diện và đồng tiền hàng hóa
Đồng tiền hàng hóa là một loại tiền tệ được tạo ra từ một nguồn tài nguyên có giá trị nội tại (có nghĩa là bạn có thể sử dụng chúng cho một thứ khác ngoài tiền). Ví dụ, tiền vàng có giá trị trao đổi, nhưng bạn cũng có thể nấu chảy đồng xu vàng, và vàng vẫn có giá trị của riêng chúng.
Trong lịch sử, hầu hết các hình thái tiền tệ đều mang giá trị của những thứ mà chúng được tạo ra. Ví dụ, một đồng niken của Mỹ được tạo ra từ lượng niken trị giá năm xu. Nhưng theo thời gian, tiền tệ đại diện cho giá trị trao đổi hơn là giá trị vật chất. Khi chế độ bản vị vàng vẫn còn tồn tại, một USD có giá trị bằng một lượng vàng nhất định. Đó chính là “tiền đại diện”, tức là đồng tiền đại diện cho một thứ khác có giá trị.
Tất nhiên, hiện nay bạn không thể đổi 1 USD để lấy một lượng vàng cố định nữa. Bấy nhiêu đó chỉ có thể mua một lượng vàng nho nhỏ trị giá 1 USD, dựa trên giá trị của một ounce vàng. Đó chính là ý nghĩa của “tiền tệ fiat”. Một đồng chỉ đáng giá một đồng, không hơn không kém. Số lượng hàng hóa mà chúng có thể mua sẽ thay đổi dựa trên những gì đang xảy ra trên thị trường đối với loại hàng hóa đó.
8. Tiền pháp định: liệu hồi kết đã đến?

Sự trỗi dậy của tiền điện tử (một loại tiền kỹ thuật số được giao dịch trên mạng ngang hàng không do chính phủ quản lý) có khả năng sẽ thay đổi cách cảm nhận của mọi người về tiền. Không có chính phủ nào in ra được tiền điện tử crypto và do phương thức khai thác và theo dõi các loại tiền này (sử dụng công nghệ blockchain), nên họ cũng không có khả năng in ra quá nhiều.
Một số người tin rằng các loại tiền tệ kỹ thuật số như thế này có thể sẽ uy tín và bảo mật hơn so với các loại tiền tệ hiện tại. Một loại tiền tệ sở hữu tư nhân và được quản lý bởi quần chúng sẽ có sức hấp dẫn đối hơn với những người hoài nghi về độ trung thực của hệ thống ngân hàng trung ương hoặc các chế độ ở quốc gia của họ.
Nhưng tiền điện tử cũng không hoàn hảo. Máy chủ có thể sẽ bị tấn công và các tệp dữ liệu trên máy tính của bạn có thể bị mất bất cứ lúc nào. Ngay cả khi tiền điện tử được chấp nhận thanh toán rộng rãi, có lẽ sẽ mất một thời gian dài trước khi chúng có thể thay thế hoàn toàn tiền pháp định trong các hoạt động giao dịch hay kinh doanh.
Thêm vào đó, nếu các loại tiền thay thế này thịnh hành đến mức chúng được ưa chuộng hơn so với Dollar Mỹ hay euro thì chính phủ các nước có thể sẽ ra tay can thiệp. Khi đó, đột nhiên Bitcoin có thể sẽ trở thành tiêu chuẩn vàng mới.
Có vẻ như khó có khả năng tiền điện tử sẽ sớm thay thế tiền pháp định. Nhưng khi xét quá trình thay đổi đáng kể của tiền tệ trong thế kỷ qua, có lẽ nhà đầu tư sẽ đủ sức cảm nhận để đánh giá xem tương lai sẽ khác biệt như thế nào.